Trung Quốc lợi dụng khó khăn của Nga?

Posted at  Thứ Tư, tháng 5 21, 2014  |  in  

Trước thềm chuyến thăm, ông đã có cuộc trả lời phỏng vấn các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc và dùng những lời lẽ tốt đẹp để nói về mối quan hệ giữa hai nước. Về phía mình, tuy người đồng cấp là Tập Cận Bình không có các phát biểu chính thức, nhưng 2 cựu đại sứ Trung Quốc tại Nga cũng dùng những từ ngữ tốt đẹp không kém để nói về mối quan hệ này.
Thực ra, điều này cũng không có gì quá bất bình thường - trước chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia này tới một quốc gia khác, người ta thường tìm thứ ngôn ngữ ấm áp nhất có thể được để đánh giá về nhau và mối quan hệ song phương.
Không những thế, một số nhà phân tích Nga đã vội vã đánh giá “đây là một chuyến thăm lịch sử”.
Quan chức Nga cũng đã đề cập đến số lượng “khổng lồ” các thỏa thuận mà hai bên sẽ ký kết nhân chuyến thăm này (đã bàn thảo: 43, khả năng sẽ ký: khoảng 30).
Tuy nhiên, thỏa thuận quan trọng bậc nhất và cũng là mục đích chính của chuyến thăm – đó là thỏa thuận về việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc,- con bài tủ của V.Putin trong cuộc chiến địa – chính trị tiếp theo với Mỹ và Châu Âu thì hiện chưa chắc chắn là hai bên có thể ký được hay không.
Theo một số nguồn tin thân cận của các quan chức Nga tham gia đàm phán thì đến tối 19/5 hai bên vẫn chưa thống nhất được một số vấn đề chi tiết liên quan đến thỏa thuận này.
Ảnh : A. Philippov / RIА Novosti
Ảnh: A.Philippov/RIА Novosti
Mấy dòng lịch sử của vấn đề
Nga có ý định ký một thỏa thuận bán khí đốt với Trung Quốc từ 20 năm trước. Ngay từ năm 1994, hai nước đã ký bản ghi nhớ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ mỏ Kovưchinski sang Trung Quốc.
Vài năm sau đó, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga đầu tiên B.Elsin đến Trung Quốc, dự án bắt đầu có nhúc nhích đôi chút. Hai bên lại ký tiếp một bản ghi nhớ về việc chuẩn bị luận chứng kỹ thuật- kinh tế cho dự án trên. Sau đó, lại tiếp tục ký nhiều bản ghi nhớ khác nữa nhưng rốt cuộc tất cả các cuộc đàm phán đều thất bại.
Cách đây 5 năm, các cuộc đàm phán lại được khởi động và đã có một số tiến triển nhất định khi “GAZPROM” và CNPC (Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc) ký một thỏa thuận khung về các điều kiện chủ yếu để cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc.
Văn bản này đã quy định tương đối cụ thể khối lượng, tuyến vận chuyển và thời gian bắt đầu cung cấp khí đốt, cách tính giá v.v. Nhưng hai bên vẫn không thống nhất được về giá khí đốt.
Tại các cuộc đàm phán này, phía Nga đề xuất với phía Trung Quốc 2 phương án cung cấp khí đốt qua các hệ thống dẫn khí mới là – 1/ qua tuyến: “Sức mạnh Xibiri” (phía Đông) và: 2/ tuyến “Altai” (phía Tây). Nhưng đến phút cuối “GAZPROM” lại từ chối ký thỏa thuận về giá với Trung Quốc với cái cớ là phía Trung Quốc không chấp nhận các điều kiện của Nga.
Được biết, hệ thống: “Sức mạnh Xibiri” sẽ là hệ thống vận chuyển chung cho các mỏ khí đốt ở Iakutia và Vùng Irkutsk - sẽ vận chuyển khí đốt qua Khabarovsk đến Vladivostok. Toàn bộ chiều dài của tuyến đường ống này khoảng 4.000 km với công suất vận chuyển đến 61 tỷ m3/năm.
Việc đưa vào khai thác phần đầu của “Sức mạnh Xibiri” – theo tuyến Iakutia- Khabarovsk- Vladivostok dự tính được bắt đầu vào cuối năm 2017. Còn “Altai” là hệ thống đường ống mới trên hành lang vận chuyển đã có sẵn từ Tây Xibiri đến Novoxibirsk và kéo dài đến biến giới Trung – Nga với chiều dài 2.600 km. Công suất – 30 tỷ m3/năm.
Một số chuyên gia cho rằng, vào thời điểm cách đây 5 năm “GAZPROM” không thực sự quan tâm đến việc ký hợp đồng với Trung Quốc. Điều quan trọng hơn đối với công ty này lúc đó là chuyển một thông điệp tới các đối tác Châu Âu: “khí đốt Nga có thể tìm được khách hàng khác”.
Bằng cách đó, “GAZPROM” hy vọng là các đối tác Châu Âu sẽ trở nên mềm mỏng hơn khi đàm phán. Trung Quốc lúc ấy cũng không mấy sốt sắng vì đã có nguồn cung từ Turmenistan và một số nước khác.
Các vòng đàm phán tiếp theo với Trung Quốc vào năm ngoái (2013) đã kết thúc bằng việc ký kết một bản ghi nhớ nữa giữa “GAZPROM” và CNPC về việc cung cấp khí đốt. Thời gian bắt đầu – năm 2018, khối lượng cung cấp giai đoạn đầu sẽ là 38 tỷ m3 và có thể tăng lên 60 tỷ m3/năm. “GAZPROM” lúc đó bày tỏ hy vọng là phương thức thanh toán sẽ là trả tiền trước.
Ván cờ Châu Á của Putin
Các bên cho đến chiều 19/5 vẫn đang tiếp tục đàm phán về điều kiện cung cấp khí đốt và giá để đi đến thỏa thuận cuối cùng. Theo giám đốc “Quỹ phát triển năng lượng” (Nga) X.Pikin thì trong bối cảnh địa chính trị hiện này, Nga buộc phải ký thỏa thuận này”.
Nếu lần này không ký được thỏa thuận (cung cấp khí đốt), thì kết quả chuyến thăm “lịch sử” Trung quốc của V.Putin nếu xét từ góc độ ý nghĩa chính trị chỉ là con số không. Mỹ và Phương Tây có thể tiếp tục thắt chặt các biện pháp cấm vận vì thấy rõ rằng “GAZPROM” vẫn rất phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Châu Âu và Nga không có thứ vũ khí gì để đáp trả.
Dù có phải “ngậm bồ hòn” (tức là phải có các nhượng bộ rất đáng kể), Nga cũng phải thỏa thuận bằng được với Trung Quốc ”.
Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện nay, không ai có thể chắc chắn một trăm phần trăm là thỏa thuận trên sẽ được ký. Ngày 18/5 “GAZPROM” thông báo là đã có một buổi gặp làm việc giữa chủ tịch Hội đồng quản trị “GAZPROM” và Chủ tịch Hội đồng giám đốc CNPC.
Thông báo chính thức của “GAZPROM” chỉ cho biết là các bên “đã thảo luận về các vấn đề cấp thiết trong hợp tác song phương”. Nếu dịch thông báo trên ra ngôn ngữ dễ hiểu hơn thì có nghĩa là các bên vẫn còn đang thương thảo và chưa hoàn tất được văn bản hợp đồng.
Hệ thống dẫn khí đốt tại khu vực phía đông Nga
Các tuyến vận chuyển khí đốt. Màu vàng – tuyến “Altai”, màu đỏ - tuyến “Sức mạnh Xibiri”. Điểm xuất phát ở phía Bắc là các mỏ.
Các tuyến vận chuyển khí đốt. Màu vàng – tuyến “Altai”, màu đỏ - tuyến “Sức mạnh Xibiri”. Điểm xuất phát ở phía Bắc là các mỏ.
Tại sao chưa thống nhất được?
Có nhiều lý do nhưng vẫn theo Pikin thì vướng mắc lớn nhất hiện nay là Trung Quốc không muốn chấp nhận giá chốt cố định, mà muốn tính theo một công thức tính giá có thể thay đổi. “Tôi nghĩ rằng, giá sẽ gần tương đương với giá Châu Âu, tức là khoảng $400 cộng – trừ $20.
Nhưng có lẽ nó sẽ không là giá chốt cho toàn bộ thời gian hợp đồng có hiệu lực. Có thể sẽ áp dụng một công thức tính giá mang tính thỏa hiệp theo từng giai đoạn với khối lượng khác nhau tùy thuộc vào các thời kỳ thực hiện hợp đồng mà các bên đều có thể chấp nhận được. Còn về phương thức thanh toán, các bên có thể cũng có thể tìm ra một giải pháp nào đấy.
Tuy nhiên, ông này cũng nhấn mạnh rằng: nếu giá thấp hơn mức $ 380 – 400/m3 thì “GAZPROM” sẽ bị lỗ dù có xuất khẩu nhiều đến mấy. Để thực hiện hợp đồng này, “GAZPROM” phải đầu tư nhiều tỷ đôla. “Khi đánh giá chi phí dự án cần phải tính không chỉ giá thành khai thác và vận chuyển mà cả giá xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Trong khi đó, đại diện của CNPC không đề cập gì đến tổng giá trị của hợp đồng với lý do đó là bí mật kinh doanh. Ông này chỉ cho biết: “CNPC không có ý định lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của Nga (đang đối mặt với các biện pháp cấm vận của Mỹ và Phương Tây) để ép giá. Còn những tính toán thực sự của phía Trung Quốc trong trường hợp này như thế nào thì đó lại là chuyện khác.
Nhưng mâu thuẫn quan trọng nhất lại nằm ở góc độ khác: phía Trung Quốc đòi cùng khai thác một số mỏ trên lãnh thổ Nga (tức là thành lập các liên doanh cùng khai thác).
Đối với đề xuất này, phía Nga có quan điểm rất rõ ràng: “GAZPROM” sẵn sàng nhập các trang thiết bị khai thác dầu khí và bán khí đốt cho Trung Quốc nhưng dứt khoát không cho người Trung Quốc tham gia thăm dò và khai thác dầu khí tại Xibiri.
(Chuyện cũ nhắc lại: Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2012 , Thủ tướng Nga D. Medvedev đã khẳng định là Chính phủ LB Nga sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai tốt các dự án trong lĩnh vực năng lượng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các liên doanh dầu khí hai nước triển khai các hợp đồng đã ký, cũng như mở rộng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Nga.
Cũng trong chuyến thăm này Chủ tịch Trương Tấn Sang đã dự lễ đón dòng dầu đầu tiên tại mỏ Tây Khosedai của liên doanh Rusvietpetro thuộc khu tự trị Nhenhetsky).
Nếu ký thỏa thuận khí đốt, ai có lợi hơn?
Khi tiến hành các cải cách kinh tế, Đặng Tiểu Bình ưu tiên phát triển các ngành có lợi nhuận cao nhưng tiêu hao nhiều năng lượng như công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và luyện kim.
Kết quả là tuy Trung Quốc phát triển rất nhanh về kinh tế nhưng đang đối mặt với thực trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, theo số liệu của Cục thông tin năng lượng Bộ năng lượng Mỹ thì hơn 70% nguồn năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc là từ than đá. Đây là lý do tại sao lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc đứng đầu thế giới.
Nguồn năng lượng rẻ tiền có thể thay thế than đá (mối đe dọa địa chấn không cho phép Trung Quốc phát triển năng lượng nguyên tử trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc – quan điểm của các chuyên gia Nga) chỉ có thể là khí đốt và dầu mỏ.
Để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và cắt giảm khí thải công nghiệp, chính phủ Trung Quốc đã lập kế hoạch đến năm 2015, tỷ lệ khi đốt (trong sản xuất năng lượng) chiếm 8%, đến năm 2020 là 10 %. Năm 2013, lượng khí đốt được sử dụng ở Trung Quốc tăng 14%, lên đến 167 tỷ m3, trong đó nhập khẩu là 53 tỷ m3.
Hiện nay, nhà cung cấp khí đốt chủ yếu cho Trung Quốc là Turmenistan. Tiếp theo là Myanmar và một số nước khác. Ngoài ra, Trung Quốc còn mua khí hóa lỏng từ Úc. Tuy nhiên, tổng khối lượng cung của các nước nói trên mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sử dụng của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo các chuyên gia phân tích của cả Nga và Mỹ, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc đến năm 2020 sẽ là 300 – 400 tỷ m3/năm, đến năm 2040 có thể lên đến 1.000 tỷ m3. Trung Quốc sẽ phải tăng khối lượng nhập khẩu mà trước hết là từ Nga và Turmenistan.
Như vậy, triển vọng khai thác thị trường nhập khẩu khí đốt Trung Quốc đối với các nước cung cấp (trong đó có Nga ) là rất lớn. Nhưng vấn đề là Nga xâm nhập thị trường đó như thế nào, với các điều kiện nào?
Nếu lần này Nga ký với Trung Quốc hợp đồng về xuất khẩu khí đốt thì có lẽ đây không chỉ là một sự kiện kinh tế mà còn là một sự kiện chính trị quan trọng nhất trong tháng năm (trong trường hợp hai bên hoàn tất được hợp đồng và căn cứ vào tính hình hiện nay, phía phải chịu nhượng bộ nhiều hơn chắc chắn là Nga).
Theo nhiều nhà phân tích Nga mà tiêu biểu là X.Malinina đăng trên báo “Lenta.ru” ngày 19/5 thì “trong bối cảnh tình hình ngày càng căng thẳng ở Ukriane và mối quan hệ ngày càng xấu đi (giữa Nga) với Mỹ và Phương Tây, việc Nga chuyển định hướng kinh tế sang phía đông - trong tương lai ngắn hạn có thể (tức thời) củng cố vị thế của Nga trên trường quốc tế và giảm thiểu hậu quả của các biện pháp cấm vận mà Mỹ và Phương Tây đang và sẽ áp đặt. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích ngắn hạn có thể thấy rõ thì tình “hữu nghị” với Trung Quốc cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Trung Quốc chắc gì đã dừng lại chỉ mỗi một việc là mua khí đốt . Chắc chắn là vấn đề cùng khai thác khu vực Xibiri (trước hết là các mỏ khí đốt và các mỏ khác) nhiều tài nguyên cũng sẽ được (Trung Quốc) đề cập tới trong chuyến thăm này (và đây là điều nhiều chuyên gia Nga lo ngại nhất nếu có sự nhượng bộ trong vấn đề này).
Liệu Nga sẽ chống chọi được sức ép trên từ phía “con rồng” này được bao lâu trong bối cảnh nền kinh tế đang trì trệ và kim ngạch buôn bán với Châu Âu đang bị sụt giảm rõ rệt. Đây là một câu hỏi chưa có lời giải. Người Trung Quốc, vốn là tín đồ trung thành các giáo huấn của Khổng Tử - là những người biết chờ cơ hội: “Không quan trọng là bạn đi nhanh hay đi chậm, điều quan trọng nhất – là không được dừng lại”.
Liệu hợp đồng này (cung cấp khí đốt) có được ký hay không và các điều kiện của Hợp đồng này sẽ như thế nào - chúng ta sẽ sớm biết trong nay mai. Nhưng có thể khẳng định một điều – không phải lúc nào Nga cũng hưởng trái ngọt từ mối quan hệ với Trung Quốc và cả trong hai trường hợp – ký hoặc không ký đều không phải là phương án tối ưu nhất đối với Nga.

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

Xa lộ tin--Xalotin.blogspot.com
Copyright © 2014 Kênh tin tức giải trí 24h. Xa Lộ tin by Xa lộ tin Blog
Powered by Xalotin.blogspot.com Liên hệ quảng cáo vnstock247@gmail.com.
back to top